NGÀNH IN ĐẠT DOANH THU 94.000 TỶ NĂM 2020

24/02/2021
Ngành in thiếu nhân lực trầm trọng
20/03/2021

Doanh thu, hoạt động của ngành in trong năm 2020 đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Năm 2020, tổng doanh thu toàn ngành in đạt 94.745 tỷ đồng (giảm 2,3%); nộp ngân sách 2.228 tỷ đồng (giảm 3,7%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 2.199 tỷ đồng (giảm 1,8%).

Đó là số liệu do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đưa ra tại hội nghị “Tổng kết ngành in năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021”, diễn ra ngày 18/3 tại TP.HCM.

Đây cũng là dịp ngành in nhìn lại kết quả thi hành Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in.

in ấn văn kiện đại hội -huongnamads

Hình ảnh in ấn Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành, “các doanh nghiệp ngành in Việt Nam nỗ lực vượt khó, đạt được một số kết quả đáng khích lệ” trong bối cảnh năm 2020 đầy khó khăn và thách thức với nền kinh tế, các doanh nghiệp ngành in chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Số hóa đang thay đổi ngành in

Cơ quan quản lý Nhà nước về in cho rằng: “Mặc dù có tác động tiêu cực do dịch Covid-19, sản lượng in cơ bản được giữ vững, đạt 97% theo kế hoạch”.

Điểm sáng của ngành trong năm là các doanh nghiệp in ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, đầu tư thiết bị in hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đầu tư trung bình của ngành in trong 2020 duy trì ở mức 3.600 tỷ (tương đương năm 2019). Quá trình chế bản cơ bản đã được số hóa 100% với công nghệ CTP (Computer to Plate).

Quá trình in cũng được chú trọng đầu tư với các thiết bị in hiện đại với mức độ tự động hóa cao. In offset vẫn là công nghệ in chủ đạo. In ống đồng và in flexo có sự phát triển ở in bao bì, nhãn mác. In kỹ thuật số phát triển nhanh với các thiết bị in khổ lớn, tốc độ cao, đáp ứng thị trường in thương mại và in sản phẩm cá nhân hóa.

Ước tính, năm 2020, tổng tiêu dùng giấy cả nước đạt 5,448 triệu tấn (tăng 0,2%). Tổng tiêu dùng giấy bao bì đạt 4,286 triệu tấn (tăng 0,9%). Tổng tiêu dùng giấy in, viết và giấy photocopy năm 2020 ước đạt 0,685 triệu tấn (giảm 5,1%). Tiêu dùng giấy in báo 29,7 nghìn tấn (giảm 35,9%)…

Phương hướng phát triển ngành in trong năm 2021 và tầm nhìn xa hơn cũng được đặt ra tại hội nghị. Xu hướng chung trong 5 năm tới của ngành in sẽ chuyển dịch theo hướng hiệu quả và số hóa.

Việc in ấn tài liệu trên giấy của các tổ chức, cá nhân sẽ giảm nhiều do các công cụ mới giúp xử lý tài liệu mà không cần in.

Hiện nay, việc in ấn tài liệu của các công ty là 78%, dự kiến năm 2025 chỉ còn 64%. Theo dự báo, chỉ còn 36% (so với 61% hiện tại) các công ty dự kiến còn duy trì in hóa đơn của họ.

Số hóa tác động trực tiếp đến ngành in với mục tiêu để phát triển nhanh hơn nữa. Năm 2021, ngành in trong nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển, về tiêu dùng trong nước dự báo tăng trưởng trở lại trên 10%, các yếu tố tích cực này sẽ tác động tới ngành in.

In KTS - huongnamads

Ngành in ứng dụng công nghệ và chịu ảnh hướng trực tiếp từ số hóa. Ảnh minh họa: Giabaoad.

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Tuy ngành in phát triển về quy mô, nhận định của Cục Xuất bản, In và Phát hành là “chưa xứng với tiềm năng”. Cả nước hiện có trên 2.200 cơ sở in công nghiệp, nhưng số đơn vị có quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn (trên 90%).

Việc chuyển đổi công nghệ có những thay đổi, nhưng chưa đồng đều giữa các đơn vị.

“Doanh nghiệp in của Nhà nước đa phần đã được cổ phần hóa, nhưng phương pháp tổ chức bộ máy và công tác quản trị doanh nghiệp còn chưa phù hợp; việc áp dụng mô hình tổ chức trên diện rộng trong khi không quan tâm đến quy mô, tính chất đặc thù của doanh nghiệp đã gây nhiều khó khăn trong công tác vận hành và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, theo báo cáo tổng kết ngành in của Cục Xuất bản, In và Phát hành.

Các doanh nghiệp nhỏ hạn chế nguồn lực, không có năng lực đầu tư, công nghệ lạc hậu. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để có cơ hội tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cung ứng toàn cầu.

Năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm sút. Số lao động lâu năm trong ngành gặp khó khăn trong việc cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.

Đến ngày 28/2/2021, các cơ quan quản lý hoạt động in đã tiến hành 758 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành (giảm 36% so với năm 2019); xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 267 triệu đồng (giảm 2,6% so với năm 2019). Trong đó có một cuộc chuyển cơ quan an ninh điều tra khởi tố hình sự; tịch thu, tiêu hủy 13.771 xuất bản phẩm các loại.

Sách in lậu -huongnamads

Hình ảnh tại một cơ sở in, cơ quan kiểm tra đã phát hiện 4.000 cuốn sách nghi làm lậu. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trong năm 2020, công tác phòng, chống in lậu đã được quan tâm và tăng cường bằng nhiều hình thức hoạt động.

Công tác phòng chống in lậu có sự tham gia vào cuộc đồng bộ, hiệu quả giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ, các sở, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành địa phương.

Tuy vậy, việc phát hiện, xử lý in lậu vẫn gặp khó. Việc quản lý hoạt động cơ sở in, photocopy chưa hiệu quả. Một số tỉnh thành phố, số liệu về cơ sở in, photocopy trên thực tế nhiều hơn so với danh sách quản lý của địa phương.

Theo: Zingnews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *